Tháng 5 17, 2025

Phường (xã) Đồng Sơn – thành phố Bắc Giang

Xã Đồng Sơn là một xã nằm phía Tây Nam thành phố Bắc Giang – nơi có con đường 1A chạy qua, được nói liền với thành phố Bắc Giang bởi cây Cầu Xương Giang; trước năm 1949 gọi là xã Phấn Trì, thuộc Tổng Phúc Tằng, huyện Cổ Dũng, xứ Kinh Bắc, huyện Lỵ đóng tại thôn Cổ Dũng Huyện, nay là xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng.

I. Lịch sử hình thành

Thời nhà Minh xâm lược và cai trị (1407- 1427) huyện chia đôi, đất Đồng Sơn thuộc huyện Yên Ninh, Lỵ sở ở thôn Triền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng hiện nay; năm 1449 nhập với Phương Sơn, Long Nhỡn thành huyện Phượng Nhỡn. Dưới thời Hậu Lê, huyện Yên Ninh lại tách ra nhập với Cổ Dũng, huyện Lỵ ở Như Thiết, gồm có 11 tổng, 88 xã thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Dưới vương triều Nguyễn, sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đến ngày 10 tháng 10 năm 1895 tên toàn quyền Đông Dương Rút – Sô đã ký Nghị định số 983 thành lập tỉnh Bắc Giang gồm 2 phủ là Lạng Giang, Đa Phúc và 6 huyện Yên Dũng, Việt Yên, Kim Anh, Yên Thế, Hiệp Hòa, Phượng Nhỡn. Sau đó tổng Phúc Tằng chia làm 2 tổng là tổng Phúc Long và tổng Phấn Sơn. Lỵ ở huyện Yên Dũng chuyển về thị trấn Neo ngày nay. Đất Đồng Sơn thuộc tổng Phấn Sơn, huyện Yên Dũng.

Xã Đồng Sơn cách huyện lỵ Yên Dũng gần 13 km theo đường 34 cũ, xã nằm phía Tây huyện – vẫn gọi là vùng thượng huyện, vì huyện Yên Dũng trước Cách mạng tháng Tám (1945) có 4 tổng thì tổng Phấn Sơn gọi là vùng thượng huyện, cách thị xã Bắc Giang theo đường chim bay 500 m; phía Đông xã nằm sát chân mỏm núi Nham Biền và xã Tân Liễu; phía Tây cách đường số 1A đầu cầu Bắc Giang (cầu Sông Thương) và địa phận phường Mỹ Độ 1 km; phía Tây Nam giáp xã Tiền Phong. Đặc biệt, phía Bắc xã là bờ hữu ngạn Sông Thương cùng với gần 6 km đê chạy theo bờ sông, làm thành giải phân cách địa giới phía Bắc với xã Tân Tiến.

Ubnd xã Đồng Sơn - thành phố Bắc Giang cũ

Ven Sông Thương, ngoại đê là một dải đất phù sa màu mỡ, với những nương dâu xanh biếc soi bóng dòng sông Thương hiền hòa và thơ mộng. Hàng ngày nhìn những con thuyền no gió xuôi ngược, thật ngoạn mục. Con sông Thương là đường thủy thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nông thổ sản trong vùng đến các vùng biển Đông Bắc đất nước như: mắm muối, tôm, cá, cua, than đá cùng các sản phẩm phục vụ cho đời sống, sản xuất cho nhân dân miền núi, trung du của tỉnh Bắc Giang.

Về thổ nhưỡng, từ xưa, Đồng Sơn, vùng đất sình lầy bởi đất màu, đất mùn trôi từ núi đổ về, từ những khu đất cao đổ xuống, do lá rụng từ rừng già, rừng non, lũ lụt được phù sa bồi bổ cho những cánh đồng trũng (nhất là ở ven đê) cho nên đất có độ phì nhiêu cao. Tuy vậy, nước ở dãy núi Nham Biền đổ xuống khi mưa to, kéo dài tràn qua xã Nội Hoàng, xã Tiền Phong đổ xuống đồng gây úng lụt lớn phá hoại mùa màng, đất màu một phần trả dòng sông – có phần bị rửa trôi theo tính chất nông hóa.

Cho đến triều Nguyễn, nhất là thời Minh Mạng đã chú ý tới trị thuỷ, bằng cách đắp thêm những con đê mới, bồi trúc những đê cũ đồng thời xây cống để khi nước sông lên cao không chảy vào đồng, khi nước mưa lũ trong đồng chảy ra sông khi nước sông còn thấp, vì vậy mà đoạn sông thuộc xã Đồng Sơn có 3 khẩu cống. Đó là cống Đầm tiêu nước từ núi Nham Biền, chảy xuống các khe Hàm Long qua thôn Phấn Sơn hình thành con ngòi thuộc cánh đồng Đầm đổ ra sông khi nước sông còn cạn. Rồi đến cống Sòi cũng tiêu nước từ núi Nham Biền qua Bình An, Nội Hoàng, Ảm Trứ tràn qua những cánh đồng cao đổ xuống cánh đồng thấp của Đồng Sơn, dồn về cống Sòi đổ ra sông. Cống đã hoành triệt (lấp) từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX. Rồi đến cống Đồng Quan to nhất vùng – có nhiều cửa tiêu nước mưa ở một vùng rộng từ chân núi Nham Biền thuộc xã Nội Hoàng, một phần xã Vân Trung, một phần thôn My Điền (xã Hoàng Ninh) đổ xuống con ngòi lớn gọi là ngòi Bún – hai bên bờ có đê nhỏ ngăn nước không cho tràn ra những cánh đồng hai bên, nước ngòi chảy qua cống Đồng Quan ra sông Thương – khi nước sông cao hơn nước ngòi cánh đồng cống tự động đóng. Tuy vậy khi có mưa lớn, nước sông lên cao nước mưa đổ xuống đồng rộng không tiêu ra sông được, đê hai bên ngòi bị vỡ làm cho lúa màu bị ngập gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Từ năm 1963, cống Đồng Quan (thường gọi là cống Bún) đã được xây dựng thành trạm bơm lớn nhất vùng. Nhằm tiêu nước về mùa mưa lũ, tưới nước khi trời nắng hạn cho xã Nội Hoàng, Tiền Phong, Song Khê, Đồng Sơn, Tân Mỹ và một số xã thuộc huyện Việt Yên, phường Mỹ Độ, thị xã Bắc Giang để đảm bảo sản xuất. Trạm bơm điện Đồng Quan là một trạm bơm lớn nhất của huyện Yên Dũng, máy móc hiện đại, công xuất lớn, hiệu quả cao tạo điểu kiện thuận lợi cho sản xuất, thâm canh tăng vụ.

Xã Đồng Sơn có 3 bến đò qua sông Thương là bến đò Sòi, bến đò Chùa và bến đò Dốc Sở, những bến đò trên vừa thuận lợi cho việc đi lại qua sông, giao lưu về kinh tế, văn hóa, xã hội vừa làm đẹp cảnh quan quê hương. Nay vẫn còn tác dụng thiết thực cho đời sống của nhân dân hai bên bờ sông.

Về khí hậu, thời tiết ở vùng này thuộc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với 4 mùa rõ rệt như vậy đã tác động đời sống con người và cây trồng. Tuy vậy, mưa nắng cũng thất thường, khi có nước thừa gây ra úng lụt, khi rất cần nước thì thiếu gây ra hạn hán kéo dài, ảnh hưởng không ít tới sản xuất. Ngoài ra bão cũng ảnh hưởng xấu tới mùa màng và con người gây ra nhiều dị biệt về chế độ nắng mưa, mùa đông khá lạnh ít mưa, có khi chỉ đạt tới 50- 60 mm nước, là nơi đồng chiêm là chính, nên diễn biến của gió mùa đông bắc ảnh hưởng tới năng suất trồng trọt, chăn nuôi và đời sống con người. Năm rét đến sớm, đến muộn và kéo dài đều là những khó khăn vất vả cho người nông dân lao động. Đòi hỏi con người phải phát huy trí tuệ.

Thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp trường tồn của xã Đồng Sơn. Nó còn là tài nguyên vô giá, biết bao thế hệ, cuộc đời đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt để khai thác, phát triển và bảo vệ nó, làm nên sự sống của con người nối tiếp nhau.

II. Dân cư

Buổi đầu khi con người đến vùng đất Đồng Sơn, họ bám lấy ven sông đánh bắt tôm, cá để sinh sống; dần dần khai thác những bãi ven sông để trồng lúa. Người lớn ở gần núi thì khai khẩn đồi rừng để trồng cây ăn quả, trồng sắn, hái lượm, khai thác cây tự nhiên của rừng để phục vụ đời sống. Ở Đồng Sơn ta thấy rõ và chứng minh hiện tượng nói trên. Con người đến tụ cư khai phá vùng đất này rất lâu đời. Họ quần tụ với nhau ở ven sông Thương và một phần chân núi hình thành làng. Người bản địa từ khởi thủy rất ít, lúc đầu những người cùng huyết thống ở gần nhau trong một xóm nhỏ. Qua biến thiên lịch sử của nhiều thời đại, do loạn lạc hoặc mưu sinh, nên người ở các địa phương khác nhập cư đông dần trở thành làng, thôn theo tổ chức hành chính của từng thời kỳ được củng cố chặt chẽ.

Vì nhu cầu bảo vệ đời sống, bảo vệ an ninh xã hội, đồng thời chống thiên tai giặc giã, nên các làng ở gần nhau liên kết thành vùng. Lịch sử đã ghi nhận, cho đến đầu thời Lê đất đai của Đồng Sơn – cũng như huyện Yên Dũng hoang hóa rất nhiều. Năm 1481, Lê Thánh Tông xuống chiếu khuyến nông đã lập ở Yên Dũng nhiều sở đồn điền. Đồng Sơn thuộc sở đồn điền Phấn Trì. Ở mỗi dồn điền, triều đình cử một Chánh xứ, một phó xứ để cai quản, mọi việc công vụ hoàn toàn thuộc chính quyền Trung ương, gọi là Ty Thái Bảo quản lý.

Thôn Phấn Sơn: Từ xa xưa “nhất xã nhị thôn” ở chân núi gọi là Phấn Sơn, ở dưới đồng gọi là Tân Độ tách ra nhập vào xã Phấn Liễu. Phấn Sơn đứng riêng (từ Pháp thuộc) một xã “nhất xã nhất thôn”. Nay là một thôn thuộc xã Đồng Sơn.

Thôn Phấn Sơn có 02 dòng họ sống bên nhau thành cộng đồng thôn xóm đã bao đời, gắn kết với nhau “phi nội tác ngoại” là họ Nguyễn, họ Thân.

Ba xã (cũ) Phấn Sơn, Phấn Sở, Phấn Trì (gồm cả thôn Sòi, Chùa, Đồng Sau, Đồng Quan) đều thuộc Sở đồn điền Phấn Trì. Bia cụ Trịnh Quốc Phú, thôn Đồng Sau có ghi: “Mọi người trong xã xét thấy những năm về trước đều có những người các nơi khác về đây sinh cơ lập nghiệp. Phó Sở đồn điền Trịnh Quốc Phú vâng mệnh triều đình chiêu dụ, vỗ về mọi người làm ăn”. Như vậy người của các xã phần đông là con cháu của Hoàng, bà Chúa, Hoàng thân, Quốc thích, tù binh lưu lạc từ nhiều nơi đến cùng với dân bản địa lập làng, lập ấp.

Xã Đồng Sơn khi lập chính quyền xã tháng 8 năm 1945 gọi là xã Phấn Trì gồm xã Phấn Sơn, xã Phấn Sở. Đến cuối năm 1948, xã Phấn Trì sáp nhập với xã Phấn Liễu lấy tên là xã Phấn Dũng. Tháng 6 năm 1954, chia tách xã phấn Dũng thành hai xã là xã Đồng Sơn và xã Tân Liễu. Theo hệ thống chính quyền hiện nay, xã có 6 thôn là Phấn Sơn, Tân Mỹ, Sòi, Chùa, Đồng Sau, Đồng Quan. Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Lạng Giang và Yên Dũng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang, xã Đồng Sơn được sáp nhập về thành phố Bắc Giang.

Xã Đồng Sơn, đất tự nhiên có trên 2000 mẫu Bắc Bộ, bình quân đất tự nhiên có 4 sào, 5 thước, đất canh tác bình quân có 3 sào 8 thước/khẩu từ khi thành lập xã. Dân số có 568 hộ gia đình, 2987 khẩu năm 1945. Đến năm 2005 có 1670 hộ, 8500 khẩu. Như vậy, 60 năm dân số tăng gần 3 lần.

Đến năm 2018, với diện tích tự nhiên 850,09 ha. Dân số có  2.390 hộ dân với 9.661 nhân khẩu, 4.798 lao động, được chia thành 6 thôn: Phấn Sơn, Tân Mỹ, Sòi, Chùa, Đồng Sau, Đồng Quan. Từ đó cho thấy Đồng Sơn cũng là một xã đất chật người đông, đời sống trông vào nông nghiệp là chính, nghề phụ không đáng kể. Nhân dân phải cố gắng lắm mới đảm bảo được cuộc sống cho đến ngày nay, có phần cải thiện một cách đáng kể.

Ở Đồng Sơn có rất nhiều dòng họ như: Nguyễn, Trịnh, Thân, Hoàng, Trần, Khổng, Đinh, Tạ, Đặng, Lưu….Từ các dòng họ là cơ sở để xác lập và hình thành lãnh thổ, có mối quan hệ về huyết thống. Họ nội là huyết thống từ người cha, họ ngoại là huyết thống từ người mẹ. Mối quan hệ họ hàng này khá chặt chẽ trong việc liên kết với nhau trong cư xử và sinh tồn. Trong họ không những xây dựng, giải quyết các mối quan hệ về tình cảm, về lễ giáo, tôn ty trật tự mà còn bảo vệ lẫn nhau về cuộc sống, bênh vực nhau về lẽ phải ở đời khi bị kẻ khác chà đạp, ức hiếp. Cơ chế trong dòng họ chặt chẽ theo ngôi thứ, theo các chi, đàn anh, đàn em. Con cả là chi trưởng, con thứ là chi thứ. Tuy con cháu chi thứ nhiều tuổi hơn vẫn phải gọi cháu ông chi trưởng là anh. Nếu con ông chi trưởng không có con trai nối dõi thì con hoặc cháu chắt ông chi thứ kế tiếp thay thế. Các họ to, nhiều chi còn lập ra nhà thờ họ, có ruộng để sinh lời thờ cúng tổ. Trong một dòng họ thường gắn bó với  nhau về chính trị, kinh tế, xã hội, tình cảm. Có công việc gì trên bảo dưới nghe. Ai vi phạm những điều quy ước của họ thì trước hết là đóng cửa trong nhà bảo nhau. Nếu không nghe mà quá đáng thì đuổi ra khỏi họ. Trong họ cũng phát triển tốt tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau theo tinh thần «lá lành đùm lá rách». Việc cấm ngặt là trai gái trong họ nội không được kết hôn với nhau. Có nơi con gái đi lấy chồng còn phải sửa lễ đến nhà thờ hoặc nhà trưởng họ cúng tổ. Họ nào cũng quan tâm, trông nom, bồi bổ, mồ mả tổ tiên xây lăng mộ khá chu đáo. Hàng năm vào tiết thanh minh hoặc cuối tháng chạp mỗi gia đình đều cử người đi tảo mộ. Có thể nói trong một dòng họ là nơi gắn bó chặt chẽ theo huyết thống, là nơi sinh hoạt của con người luôn luôn nhắc nhở tới cội nguồn, gắn bó với nhau theo quyền thừa kế gia tài, hương hỏa và thờ phụng tổ tiên, thực tế nó mang truyền thống rất rõ nét.

Ở Đồng Sơn cùng như nhiều nơi khác, các làng hình thành và các xóm. Làng có thể ban đầu là của một dòng họ, về sau do quan hệ hôn nhân, quan hệ gắn bó trong sản xuất với những người khác họ, mới có sự cư trú xen kẽ. Song mõi xóm, ngõ vẫn có một họ chính làm trung tâm. Việc hình thành mỗi xóm ở mỗi khu vực được định ra bởi đường đi luỹ tre, có nơi có cổng xóm riêng. Cũng cần nêu đôi nét về hình thành làng thôn như sau :

Thôn Phấn Sơn có các dòng họ, sống bên nhau thành cộng đồng thôn xóm đã bao đời, gắn kết với nhau « phi nội tắc ngoại » là họ Nguyễn, họ Thân… họ Nguyễn đến đây lập làng lâu nhất và cũng là dòng họ kiệt hiệu nhưng phát triển chậm. Họ Thân đến nhập cư sau nhưng phát triển nhanh và đông hơn họ Nguyễn. Mộ tổ họ Thân đặt trên núi Non Chùa, tiếng đồn đại từ lâu: Ngôi mộ được « đất phát » nên dòng họ có uy thế lẫy lừng. Phấn Sơn ngày xưa là xã nhỏ, dân cư thưa thớt, trước 1945 mới có gần 40 hộ , nhân khẩu trên 200 người. Tuy ruộng ít nhưng dựa vào núi  nên phần đông có nghề «Sơn Tràng » như cắt cỏ, cây ràng ràng trên núi, chặt vầu, gỗ, nứa bán làm cái đun trong gia đình, lò gạch, cất nhà cửa…vỡ đất tròng sắn và trồng một số cây ăn quả khác như na, ổi, chay, khế…nên đời sống của nhân dân khá hơn các nơi khác. Phấn Sơn chia làm 3 giáp. Tên giáp không gọi như các nơi khác mà gọi tên giáp lấy tên ông giáp trưởng có chức sắc cao được nhân dân tín nhiệm bầu ra từ xa xưa như: giáp ông Chánh hội, giáp ông Quản Bái, giáp ông Phó Việt.

 

Hàng năm mỗi giáp cử ra một ông Cai Đám, tuổi từ 50 trở lên gia đình khá giả, được cấy một sào ruộng để chi việc đèn hương vào ngày tuần tiết (sóc, vọng). Khi có việc làng hay hội lệ của thôn thì ông Cai Đám là người đứng ra lo việc tế tự, sắp đặt chỗ ăn, chỗ ngồi, cỗ bàn tiếp khách – người nhà phải ra phục dịch. Chi phí về việc làng, hội lệ đã có 12 mẫu ruộng công điền của làng để chi phí theo nhu cầu cần thiết. Người được cử làm Cai Đám cũng vinh dự, nên thường làm cỗ khao giáp một bữa.

Thôn Phấn Sở: Chung cánh đồng với thôn Phấn Sơn, nằm ở phía đông nam tỉnh lộ 34 cũ. Nay cải tạo con đường tỉnh lộ này gọi là đường 284, bỏ đoạn đường 34 cũ từ Lều Hàng (cây số 8) chạy qua xã Đồng Sơn, nhìn xa như một khoảnh tre sáp nhập gọi là thôn Tân Mỹ, nằm ở phía đông bắc cách đường 284 khoảng 2 km.

Thôn Phấn Sở, có lẽ người đến tụ cư trước, nên đã thành làng sớm hơn thôn Phấn Sơn. Trước năm 1945 chỉ có hơn 30 hộ với hơn 150 khẩu. Thời Pháp thuộc xã này là đơn vị hành chính “nhất xã nhất thôn”, thuộc loại “dân tiểu xã mọn”, nên chức sắc trong xã thường nhường nhau với tinh thần trong họ ngoài làng. Thực tế những người ra gánh vác công việc cho xã chỉ lấy tiếng, chứ không phải lấy miếng. Tuy vậy, cũng có người đã giữ chức Chánh Tổng Phấn Sơn, cuối cùng của chế độ thực dân Pháp như cụ Chánh Sung.

Tương truyền rằng: Làng Phấn Sở có người con gái lấy Vua. Do mất thần phả nên chẳng biết ông Vua nào và từ bao giờ. Người con gái đó xinh đẹp, được vua sùng ái, đã tâu lên Vua xin cho đặc ân “người Phấn Sở được đi bất cứ nơi nào trong nước mà họ thấy dễ làm ăn sinh sống”. Vì vậy, dân làng đã đi làm ăn nhiều nơi. Đến đâu lập làng ở đó, cũng lấy tên là Phấn Sở. Ở quê chính gốc vẫn thường gọi là Trại Sở, vì làng nhỏ như đã nói ở trên. Trong tỉnh Bắc Giang, cũng có một số nơi có làng Phấn Sở, cũng thường gọi là Trại Sở. Bây giờ vẫn còn nhiều người nhớ cội nguồn tìm về theo dòng họ – nơi làng cũ quê xưa.

Phấn Sở có dòng họ Nguyễn, họ Trần. Họ Nguyễn đông hơn, có thế lực hơn, có nhiều người làm chức sắc cao trong làng xã.

Theo chế độ “quan điền”, từ thời phong kiến Phấn Sở có người con gái lấy vua làm Hoàng Hậu, sinh được hai người con gái có duệ hiệu “Lê triều Hoàng Y Công Chúa”. Được vua cha cho về vùng đất quê mẹ để nhận ruộng, người nào đi đến đâu cũng phạm vi đồng điền đã định được cấp ruộng đến đấy. Vì vậy nên có truyền thuyết nói rằng: Hai bà Công Chúa đều xuất phát từ làng Phấn Sở. Bà chúa Cả cho người hầu mang tro lội đồng tung trên mặt ruộng, vừa xong thì trời đổ mưa ngập bờ ruộng, tro chìm dưới nước. Vì thế Phấn Sở được nhiều ruộng – cả cánh đồng Đầm rộng mênh mông thuộc về Phấn Sở. Dân làng làm tờ khải tấu lên triều đình để tưởng lệ công lao, được nhà Vua phong cho bà chúa là “Lê triều đệ nhất Hoàng Y Công Chúa” và xuống chiếu phải lập nơi thờ cúng.

Còn bà chúa thứ hai, cho người hầu mang trấu rắc lên mặt nước để nhận ruộng, vừa xong thì trời đổ mưa to, ngập đồng, gió thổi mạnh trấu dạt vào gần chân núi. Vì thế Phấn Sơn được ít ruộng nên không tâu Vua phong sắc cho bà.

Thôn Phấn Trì: Ngày xưa gọi là làng Phấn Trì Sở. Đến thời Lê, cơ cấu hành chính gọi là xã Phấn Trì, thuộc tổng Phấn Sơn. Cho đến trước tháng 8 năm 1945 xã Phấn Trì có 5 thôn (nhất xã ngũ thôn) là xã lớn trong hàng tổng. Các bia đá còn lại đều ghi chức sắc là xã trưởng, thôn trưởng. Bộ máy lập pháp và hành pháp theo thiết chế có đầy đủ chức vụ của bộ máy Nam triều và bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Các làng thuộc Phấn Trì là đơn vị hành chính thôn gồm thôn Phấn Sở (gồm cả làng Phấn Trì Sở), thôn Sòi (ngày xưa còn có tên gọi là làng Hương Tài), thôn Chùa, thôn Đồng Sau, thôn Đồng Quan (Bún cửa ngòi). Các thôn này từ thời Hậu Lê dân số cũng chưa đông. Ví dụ thôn Đồng Quan mới có gần 40 hộ dưới 200 khẩu, 30 xuất đinh. Các thôn ở gọn theo một dải đất cao hơn so với đồng và hình thành một khoảnh tre chạy dài tới 5km, thôn nọ cách thôn kia khoảng từ 500m đến 800m (thôn Sòi và thôn Chùa gần sát nhau). Định vị làng thôn như vậy, thuận lợi cho việc đi lại trong quản lý của bộ máy hành chính và quan hệ giao lưu tình cảm, sinh hoạt trong làng xã của nhân dân.

Năm thôn của xã Phấn Trì, có lẽ ngày xưa có nghề làm bún nổi tiếng. Do biến động của quá trình phát triển kinh tế, đời sống, hoặc do đói nghèo, cơm chẳng đủ ăn, còn lấy tiền đâu mà mua bún. Bún là một sản phẩm chế biến từ gạo, chỉ có thể giành cho nhà giàu, lớp trung lưu ăn sang, hoặc khi có công việc đãi khách. Người sản xuất ra thì nhiều, người mua thì ít, dần dần không tiêu thụ được bún ế, nên bỏ nghề từ bao giờ chưa ai hiểu rõ.

Có lẽ vì thế, từ xưa vẫn gọi tên nôm là: làng Bún Sở (gồm cả làng Phấn Trì Sở), Bún Sòi, Bún Chùa, Bún Đồng Sau, Bún Đồng Quan. Tuy giành giọt như thế, nhưng vẫn chung một xã là xã Phấn Trì. Tuy vậy mỗi thôn đều có đặc điểm riêng trong nét tương đồng thiết chế về chính trị, văn hóa, xã hội.

Hiện nay xã Đồng Sơn có 6 thôn là: Phấn Sơn, thôn Tân Mỹ (sáp nhập thôn Phấn Sở với Phấn Trì Sở), thôn Sòi, thôn Chùa, thôn Đồng Sau, thôn Đồng Quan.

Các thôn của xã, ngày xưa đều có giáp – đặt ra để tiện quản lý và sinh hoạt làm nghĩa vụ đối với thôn thực tế lệ làng, tiến hành các công việc của làng – có tính chất tự quản, không thuộc hệ thống hành chính. Số lượng giáp có nơi nhiều nơi ít tùy thuộc vào dân số và phạm vi của thôn.

Từ thời xa xưa, chúng ta đã thấy con người Đồng Sơn cần cù chịu khó trong lao động, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, giặc cướp, thông minh trong học hành. Con người Đồng Sơn hiền hậu, có đức, có nhân, thuần phúc khéo léo trong ứng xử. Dù là người bản địa hay ở nơi khác đến do loạn lạc hay mưu sinh, có tới 13 dòng họ như: Họ Đinh, Trịnh, Lưu, Tạ, Thân, Khổng, Phạm, Trần, Bùi, Đào, Nguyễn, Hoàng, Phùng… rải rác ở các thôn xóm. Họ đông nhất và lâu đời nhất là họ Đinh ở làng Sở, họ Trịnh, họ Thân ở làng Sòi, họ Nguyễn ở Đồng Sau, họ Lưu họ Tạ ở làng Chùa, họ Trịnh, họ Khổng ở Đồng Quan… các dòng họ gắn kết với nhau bao đời, chung sức chung lòng xây dựng nên xóm làng đông vui, đầm ấm và phát triển tốt đẹp đến ngày nay.

Có dòng họ bề thế như họ Trịnh ở làng Đồng Sau, do ông Trịnh Thìn làm trưởng tộc, vốn dòng dõi Thái úy Trịnh Khả xếp hàng thứ 6 trong 18 vị khai quốc công thần nhà Lê. Họ thường cử người về Lam Kinh, Thanh Hóa viếng mộ tổ.

 

III. Hoạt động kinh tế

Nông nghiệp là gốc của mọi nghề trong quá trình phát triển. Sự sáng tạo của người nông dân đã tạo ra nền văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước.

Biểu hiện trước tiên về tư tưởng là: “Dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc). Lo việc trị thủy, coi trọng kỹ thuật cày bừa, cấy gặt. Người cha thường dạy con trai từ nhỏ: cày sâu bừa kỹ, luống thẳng xá đều, không bỏ lõi; ruộng cạn thì phải đi cuốc góc chu đáo phát bờ sạch sẽ không để chân cỏ bảm ruộng gây hại lúa. Khi ruộng nước ở đồng chiêm trũng ở Đồng Sơn cũng như nhiều nơi khác trong huyện ngập sâu đến bụng trâu phải dùng “que vè” cắm để làm đấu khi cày bừa không bỏ sót. Người già còn dạy cho con cháu từ gieo mạ cho đều, vun luống trồng màu cho nây và thẳng; dạy từ chẻ lạt, bện quang, đánh dây néo đập lúa; dạy đẽo bắp cày, chắp trạc trâu, buộc chão cày… cho nên khi xem xét đánh giá người nông dân thường người ta phải xem đường cày thẳng ngay, cấy lúa thẳng hàng và bàn tay khéo hay vụng của công việc nhà nông, xem thái độ tinh thần chăm chỉ hay lười biếng.

Đồng ruộng đều phụ thuộc thiên nhiên và cái tài điều khiển, sự tính toán, dự đoán về thời tiết bốn mùa theo kinh nghiệm trong quá trình đời trước truyền lại cho đời sau. Tuy vậy vẫn phải có sự may rủi và cầu mong thần linh che trở cho mình được sống an bình “Cho mưa thuận gió hòa”, “Của đồng làm ra của nhà làm nên”.

Về phương diện canh tác còn rất thô sơ. Những gia đình khá giả mới có con trâu, con bò và có đủ cày bừa và một số công cụ cầm tay để sử dụng trong lao động hàng ngày. Vì vậy mà người nông dân rất quý con trâu, con bò, họ coi đó là “đầu cơ nghiệp”. Tất cả mọi lao động đều dùng sức cơ bắp như gánh, đội mang vác và di động bằng đôi chân đi đất. Những nhà có ít ruộng không có trâu thì phải đi thuê hay đổi công người lấy công trâu hoặc đi cuốc ruộng. Những người phải đi ở năm, ở mùa cho nhà giàu hoặc đi làm thuê, làm mướn, lên vùng rừng núi nước độc để kiếm sống. Nhiều người túng đói, làm thuê ở địa phương không có người mướn, phải tha phương cầu thực, có những người ra đi không thấy trở về.

Về cơ cấu cây trồng: ở Đồng Sơn, trừ các rẻo đồng cao ở chân núi thôn Phấn Sơn và một số thôn khác còn phần lớn là đồng chiêm. Lúa chiêm, chủ yếu là cấy giống lúa di. Lúa mùa, tuy diện tích ít nhưng cũng có nhiều loại giống như tám xoan (lúa mùa sớm), tám nghệ, đèo (gạo đỏ), hiên giong (cấy chân ruộng sâu, lúa ngoi cước mà lên, nếp cái (nếp rồng), nếp con (loại này cấy rất ít). Cây mầu, chủ yếu là trồng khoai lang, khoai sọ, đỗ xanh, lạc, đỗ đen, đỗ tương, đỗ trứng cuốc; ở bãi bờ sông ngoại đê thì trồng dâu, thả bí ngô, ở sườn núi thì trồng sắn, dong riềng. Rau ăn như rau muống, rau cải, trồng rất ít vì chưa có tập quán, muốn ăn thì đi chợ mua, hoặc người nơi khác đến bán. Cây ăn quả trong vườn thường trồng bưởi, chanh, chuối, đu đủ, thị, mít, tu hú, nhãn… Nói chung ít có cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, mà chỉ trồng cho đẹp nhà, đẹp vườn, gia đình sử dụng ít có đem ra chợ bán.

Về trừ sâu bệnh cho cây lúa, cây màu, cây ăn quả chưa có gì đáng kể. Khi có sâu làm hại lúa màu thường là làng này bàn với làng khác trong xã, có thể liên kết tổ chức trong vùng cúng trời đất, thần nông để đưa sâu, tự tế linh đình đến một vài ngày. Cúng tế xong nhà nhà làm cờ bằng giấy trắng cắm khắp cánh đồng để tiễn sâu. Ngoài ra còn đi bắt sâu, dùng các phương tiện khác để đập chết ngay tại ruộng không còn cách nào khác.

Về thời vụ, mỗi năm có hai vụ chiêm mùa rõ rệt. Vụ chiêm cấy vào tháng một, tháng chạp. Vụ mùa cấy vào tháng năm, tháng sáu, xen kẽ giữa vụ chiêm, chân ruộng nào phù hợp với thời tiết thì cấy lúa “ba giăng”, loại lúa ngắn ngày nhưng năng suất thấp. Nơi nào cấy lúa mùa bị úng ngập, khi nước rút lại phải cấy lúa “tái giá” trước ngày 25 tháng 7 âm lịch (ngày mạt phục). Vì vậy người nông dân vô cùng vất vả. Gió rét vào mùa đông thì ngâm chân, tay dưới nước giá buốt thấu xương, nắng như đổ lửa như mùa hè thì phơi mình gặt lúa chiêm xong lại cấy lúa mùa. Thế mà kiếm được bưng thóc không phải dễ, có khi thiên tai lại cướp đi hết.

Về chăn nuôi, ngoài nuôi trâu bò, nhân dân còn nuôi lợn thịt, lợn nái, gà, vịt, ngan ngỗ, cá biệt cũng có người nuôi ngựa, nuôi dê. Phổ biến nhà nào cũng nuôi chó giữ nhà, nuôi mèo bắt chuột. Chuồng trại chăn nuôi còn rất đơn sơ. Những nhà trung lưu dầy vốn chọn được giống tốt, đảm bảo thức ăn no đủ thì những vật nuôi tăng trọng nhanh hơn. Con trâu, con bò cày kéo cũng khỏe hơn. Những nhà nghèo lợn, gà ăn theo người (xay lúa giã gạo lấy cám) mà người còn thiếu ăn thì còn lấy đâu cho gia súc gia cầm được ăn no nên sinh lợi chậm. Khi vật nuôi trong nhà bị dịch bệnh, không có thuốc thú y chỉ biết khấn cầu thổ công, thổ địa sống qua bệnh là may, chết phải chịu. Về nuôi cá nhân dân cũng biết có lợi “thứ nhất thả cá, thì nhì gá bạc”. Nhưng tạo ra điều kiện, vốn liếng, kỹ thuật nuôi cá chưa có người nào dám làm. Chỉ trông vào nguồn cá, tôm, cua… tự nhiên, sống sinh sản ở một số ít ao hồ, đầm, ngòi và chân ruộng trũng. Qua mùa lũ thì dùng chài lưới, vó, xiếc, nơm, rập… để đánh bắt – Hoặc nước cạn thì tát ao hồ, ngòi, chuôm để bắt. Đồng Sơn tuy ở ven sông Thương một đoạn khá dài nhưng rất ít người biết thả câu thả lưới, một nghề và nguồn lợi đáng tiếc chưa biết khai thác.

Về lưu thông, Đồng Sơn ở vị trí thuận lợi về buôn bán, về phát triển nghề phụ “thứ nhất cận thị thứ nhì cận giang”. Tuy vậy từ bao đời có được một cái chợ nhỏ ở bờ sông được một thời gian ngắn phải giải tán không phát triển được. Đường xá có đường thùy từ lâu, đường bộ sau khi Pháp đô hộ Bắc Giang mới đắp con đường 34 chạy qua xã và có một số bến đò qua sông cũng tiện lợi cho nhân dân đi chợ mua bán mớ rau hay các nông sản khác, con lợn, con gà, mua những thứ đồ dùng cần thiết cho gia đình. Nhân dân không có người biết buôn bán, hành nghề thương nghiệp. Vì thế đời sống nhân dân không ổn định, gặp nhiều khó khăn. Nghề độc canh cây lúa nước cũng không đảm bảo “tự cấp tự túc” được. Ở một làng số người giàu có không nhiều, phần lớn thiếu ăn thiếu mặc. Hàng năm thời gian đứt bữa, phải đi làm thuê làm mướn ở nơi khác kiếm ăn. Vì thế mà thửa ruộng của mình không được thâm canh, cây cối trong vườn, con lợn, con gà không được chăm sóc, nên kinh tế gia đình không phát triển được. Trừ những người có vốn, có sức lao động, biết lo toan chăm chỉ làm ăn thì cũng có “của ăn của để”. Tuy vậy bữa ăn của họ cũng chỉ “tương cà gia bản”   là chính. Họ cũng rất vừa lòng khi phấn đấu đạt mục tiêu “cơm ba bát áo ba manh, đói không xanh, rét không chết” là được..

Về thủ công nghiệp không có nghề truyền thống, tuy có nghề làm bún đã thành những cái tên làng Bún, nhưng bỏ từ lâu vì không phát triển được. Ngày xưa có nghề trồng dâu chăn tằm dệt lụa, đã hình thành ở làng Đồng Quan nhưng cũng mai một. Lẻ tẻ ở các làng cũng có nghề mộc như làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, nhưng cũng chưa hình thành toán thợ, nhận được những công trình lớn. Đặc biệt làng Tân Mỹ có nghề bắt cua đồng đi bán ở chợ, chủ yếu là ở tỉnh lỵ Bắc Giang đến nay vẫn có người làm. Cho nên vẫn có câu ca “làng Bún có gốc cây đề, có hoa thiên lý có nghề bắt cua”, nghề này thu nhập khá, có nhiều gia đình đi bắt cua mà xây được nhà ngói sân gạch.

Hết đời này đến đời khác, con người xã Đồng Sơn đã vật lộn với thiên nhiên trên mảnh đất quê hương kiếm bát cơm ăn, manh áo mặc chưa đủ, còn nói gì đến kinh tế phát triển. Cho nên tính hàng đời cho đến ngày thực dân Pháp cai trị, chưa có gì thay đổi lớn về đời sống về xây dựng xóm làng, hầu hết là mái nhà tranh sau lũy tre. Có đôi chút thì còn lo gánh vác việc Vua, việc làng. Ruộng đồng, các công trình phục vụ sản xuất, đời sống không đủ điều kiện để cải tạo và phát triển.

IV. Truyền thống văn hóa

Các làng xã ở Đông Sơn trong nhiều thời kỳ, việc cưới xin của nhân dân được tổ chức đơn giản hơn. Trước hết nhà trai muốn đánh tiếng ra đình nào thì phải nhờ bà mối, ông mối đến nhà gái, “có nhời”. Thấy việc có chiều hướng thuận lợi, thì nhà trai có “cơi trầu” đến “dạm ngõ” sau đó làm lễ “Vấn danh” (ăn hỏi). Nếu nhà gái đồng ý của nhà trai thì có yêu cầu “thách cưới” bao gồm: tiền mặt, thịt, gạo, may sắm, rượu, chè, trầu cau… Khi hai bên thỏa thuận mọi nhẽ khả thi, sẽ định ngày tổ chức hôn lễ. Ngay sau ngày cưới, nhà trai đến nhà gái làm lễ “lại mặt” thành phần gồm có: Hai vợ chồng dắt nhau về nhà bố mẹ vợ, bố mẹ hoặc đại diện gia đình nhà trai. Sửa bữa cơm thân mật, hai bên thông gia gặp mặt thân mật, rút kinh nghiệm trong ngày cưới. Với tinh thần vui vẻ, thân tình dài lâu, động viên đôi lứa xây dựng gia đình hạnh phúc bền lâu. Việc này là điều tốt lành…

Tuy nhiên, ngày cưới cũng gây phiền hà, Trong ngày cưới nhà trai phải chọn giờ tốt để đưa rể tới nhà gái đón dâu – thành phần đưa rể có đại diện gia đình nội ngoại, bạn bè trai gái của con, đều ăn mặc lịch sự và cũng khá đông, cử ra người đứng đầu để giao tiếp với nhà gái. Thông thường đến vào giờ cuối buổi chiều – nhà đón rể bằng cách lập hương án, bày trầu cau – ngõ đi từ ngoài cổng vào thường chăng dây từng quãng, toàn là trẻ con, gọi là “đóng cổng rể”. Trường hợp này nhà trai đã biết trước phải liệu đem tiền lẻ (tiền xu) để cho người đi đầu trao cho trẻ mở buông dây và bỏ hương án, mở cổng cho vào – nếu cưỡng lại thì cho đó là điềm không lành, phải tính giờ giấc (cả trên đường đi bộ dài hay ngắn) cho ăn khớp. Khi đoàn nhà trai đưa rể an tọa, truyện trò giao lưu, trà nước xong thì nhà gái đã chuẩn bị và đến giờ đưa dâu. Chú rể và cô dâu vái Tổ tiên, lễ bố mẹ – cuộc rước dâu thường vào buổi tối. Thành phần cũng tương tự như nhà trai – có khác là người dẫn đoàn, người đại diện gia đình phải chọn kỹ người đức độ hiền lành, làm ăn phát đạt, tuổi 60 trở lên, có trình độ giao          tiếp – cầm bó hương đã đốt đi đầu dẫn dâu. Nhà trai cũng như nhà gái, dâu rể đến cổng đều phải đốt pháo nổ ran, làm náo động xóm làng. Đến nhà trai thấy bàn thờ tế Tơ hồng, ông trưởng đoàn đứng trước bàn thờ vái vái và cắm hương còn đang cháy lên bát hương rồi mới dẫn đoàn tản ra ngồi vào chiếu trải trên bàn tọa, hoặc trường kỷ đã chuẩn bị sẵn trong rạp, xen kẽ với họ nhà trai. Sai thủ tục xã giao cần thiết, đại diện họ nhà gái có lời chào quan họ nhà trai, đại diện họ nhà trai đáp lễ. Thay mặt họ nhà gái phát biểu – từ nay mối quan hệ thông gia được như ý và mãi mãi bền lâu. Thay mặt gia đình đưa con về làm dâu và mong muốn được cha mẹ, anh em trong họ dạy bảo nên người vợ hiền dâu thảo. Nhà trai chấp nhận và cũng mong muốn như vậy. Song cô dâu đi cùng với chú rể đến lậy cha lậy mẹ, chào hỏi họ nhà gái. Đến giờ làm lễ Tơ hồng, người phù rể phù dâu dẫn cô dâu chú rể ra quỳ ở giữa chiếu trải sẵn trước hương án bày lễ tế – đại diện bên nhà trai gái đứng hai bên góc hương án. Cụ chủ tế lễ quỳ trước mặt dâu rể ở giữa chiếu (chiếu trên) khấn vái ông Tơ hồng rồi đọc văn tế và lễ 3 lễ – hai ông đứng hai bên góc hương án, ông bên này xướng “bái” thì cả chủ tế và dâu rể phủ phục – ông bên kia xướng “hương” thì đứng lên – ba lần bái, hương như vậy là xong. Nhà trai sắp cỗ để đón dâu – hai họ cùng bà con trong họ nhà trai “cạn chén”, cô dâu chú rể đi chào mời hai họ. Xong tiệc nhà gái để lại một bà già và vài cô bạn thân ngủ lại qua đêm ở nhà trai, còn tất cả tạm biệt ra về. Xong công việc này, nhà trai đã kén người trải chiếu, mắc màn, gối đệm để trai gái nhập phòng – khi ấy trời đã khuya. Hôm sau số người nhà gái ở lại, cùng về với đại diện nhà trai và dâu rể đến nhà gái lại mặt.

Cũng có nơi, nếu con gái lấy chồng làng khác, còn phải nộp “cheo” cho làng bằng tiền hoặc đồ vật như: mâm thau để dùng khi đóng đám, hoặc 500 viên gạch chỉ để tích lũy rồi lát đường làng. Ngày làng đóng đám (thần kỵ, thần đẩu), chú rể phải sắm lễ đến lễ thần. Việc kén dâu kén rể theo lễ giáo phong kiến: “môn đăng hộ đối”, “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Có khi vì những động cơ không chính đáng, mà bị cha mẹ ép uổng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chưa được tìm hiểu nhau – có nhiều trường hợp tuổi mới 13, 14 đã lấy nhau vì hai bên gia đình đã hẹn ước từ khi mới sinh con (xí chỗ) nên dẫn đến “tảo hôn” gây hậu họa.

Tục cưới tưởng như đơn giản, nhưng cũng rất phức tạp và tốn công của, thời gian. Ngày cưới (cả hai bên) phải khoản đãi họ hàng, khách khứa. Nhà khá giả có khi ăn uống thiết đãi tới 2, 3 ngày liền. Họ còn đón cả phường chèo, nhà Tơ đến làm vui (ban ngày thì hát nhà Tơ – ca trù, ban đêm phường chèo diễn suốt đêm). Khoản mua vui lấy tiếng này cũng tốn khá nhiều tiền của. Tuy vậy, cũng có sự tương trợ của họ hàng, làng xóm và bạn bè, khách khứa – gọi là “mừng” tiền hay gạo. Có nơi còn chơi “phường” trợ giúp nhau khi có đại sự. Tất cả những khoản thu được cũng chẳng đáng là bao – gọi là “ăn trước trả sau”.   Vì thế có những gia đình khi “lo” vợ cho con xong bị túng thiếu, trả nợ đến chục năm chưa xong. Những nhà nghèo túng, đông con trai phải lấy vợ muộn, hoặc đi ở rể; đi làm thuê; làm mướn đi lính may ra kiếm được cô “vợ theo” mang về làng sinh cơ lập nghiệp còn bị chê cười.

Làng xã của Đồng Sơn, việc tang thông thường theo “Thọ mai gia lễ”. Người 50 tuổi trở lên qua đời được chữ “Phúc”. Gia đình con cháu phải lo việc tang rất nặng nề. Gọi là “trả nợ miệng” dân làng. Người chết còn quản ở nhà, khi “đánh động”, tức là loan tin thì làng xóm đã đến thăm viếng. Nếu nhà giầu có, hoặc là lý dịch chức sắc thì có thể tổ chức đám ma “đại cố” có tổ chức tế lễ, được quan viên đến tế mời con trai từ 18 tuổi trở lên đến dự tang ăn cỗ. Khiến những đám tang này rất tốn kém, nên cũng hiếm. Loại đám ma “tiểu cô” được toàn thể làng, hay giáp đi đưa. Nếu người chết có chân quan viên, thì quan viên hàng giáp đến tế và có mời làng, hay giáp từ 18 tuổi trở lên đến ăn cỗ. Ban tế tổ chức tế lễ linh đình (tế phát phục từ chiều hôm trước). Khi tế, con cháu, nội ngoại và những người thân trong gia đình mặc tang phục: Con trai, gái, dâu rể mặc áo dài vải thô đội mũ rơm, mụ gậy: con gái dâu rể mặc áo dài vải thô, đội khăn ngang buông múi đằng sau gáy. Tất cả tang gia ngồi đằng sau chiếu tế. Nội dung tế có dẫn trầu cau, rượu, cơm chay hoặc mặn dâng cúng và đọc văn nói nên những nét đẹp trong cuộc sống của người đã khuất. Mọi người tỏ ra thương xót, tri ân người quá cố, mong linh hồn được thiên thu cực lạc. Có nhiều gia đình khi bố mẹ hoặc người thân trong gia đình khi qua đời còn đón thầy chùa hay thầy phù thủy đến cúng, cho bùa trừ ác, xem giờ vào quan, hạ huyệt cũng gây nhiều phiền phức, mê tín dị đoan.

Khi đưa ra đồng, trai làng được cử làm “đô tùy” khiêng linh cữu (khiêng tay từ nhà ra cổng, rồi đưa lên cỗ đòn tang) trị huyệt. Trong khi đưa tang, giáp cử ra một người, thông thường ông cai đám cầm “chấp hiệu” chỉ huy khi khiêng kiệu đi nhanh hoặc chậm dừng cho đến khi hạ huyệt, đắp điếm mộ phần. Đưa tang còn có người đánh trống cái, trống con, cồng lệnh, có đội bát âm, cờ tang, trướng; các cụ bà đội cầu, cầm phướn… đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi vào quan xong, con cháu gia tang túc trực bên cữu, có mời các cụ già tụng kinh suốt đêm hoặc làm trò “nhà Phật” cho đến sáng. Sau 3 ngày, tổ chức cúng “tam tiêu”, cúng tuần rằm, mồng một hàng tháng; cúng tuần 50 ngày, 100 ngày. Các cụ bà mất còn phải làm tuần “chay” để đưa cụ lên chùa. Những ngày tuần tiết nói trên, gia chủ mời khách rộng hay hẹp là tùy điều kiện. Nhưng con cháu nội ngoại, người thân trong gia đình nhất thiết phải đến. Dù phải tốn kém bằng mấy con cháu phải có nghĩa vụ đóng góp và vui lòng vì đã chọn nghĩa với người đã khuất (biết ơn, đền ơn). Dân làng cũng nhiệt liệt hưởng ứng, vì “nghĩa tử nghĩa tận”. Cũng có cái hay là thể hiện được tinh thần đoàn kết thương yêu gắn bó của cộng đồng khi còn sống cũng như khi chết. Đối với gia đình cũng phải cố gắng lo cho bằng người. Nhưng cũng gây tốn kém, phiền nhiễu, nhất là những nhà nghèo coi cha mẹ già yếu là một mối lo ở đời. Có gia đình sau việc tang bị khánh kiệt sa sút về đời sống. Những gia đình thiếu điều kiện lo ma cho bố mẹ thì ân hận, tủi thần. Tuy có được bà con, xóm mạc, họ hàng giúp đỡ tiền gạo, song chỉ đỡ phần nào trước mắt, sau vẫn phải trả nợ.

Tín ngưỡng về thờ cúng tổ tiên ở Đồng Sơn cũng như nhiều nơi khác xưa nay vẫn là nét đẹp trong tâm hồn người Việt Nam và đạo lý làm người của mỗi thành viên trong gia đình.

Là một phong tục đẹp của mỗi làng trong xã. Tục thờ cúng tổ tiên bao giờ cũng bao hàm ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên. Với ý nghĩa nói trên đây, tục thờ cúng Tổ tiên xuất hiện từ rất sớm. Gia đình nào dù giàu hay nghèo đều lập bàn thờ, sập thờ, nhiều gia đình sắm đồ thờ, câu đối thờ, nhà thờ rất đẹp. Ngày tết ngày giỗ khá long trọng để tưởng niệm công lao ông bà Tổ tiên từ ông Cao Tổ, Tằng Tổ cho đến cụ kỵ ông bà cha mẹ đến cô dì tỷ muội đã qua đời. Việc này được truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài ra trước ngày tết Nguyên Đán gia đình còn dẫn con cháu đi thăm mộ phần, đắp điếm tu bổ để con cháu hậu sinh ghi nhớ. Trong một họ thì thờ cúng vị Tổ họ – nhiều dòng họ đã xây nhà thờ khang trang do người trong họ tự nguyện đóng góp – ngày giỗ Tổ có khi con tế tự, người trưởng họ đọc văn tế, hay lời cúng nhắc đến tên tuổi và sự nghiệp của ông Tổ để con cháu nhận biết và tự hào. Nhân ngày giỗ Tổ là dịp nhắc nhở mọi người thành viên trong họ đoàn kết thương yêu nhau xây dựng cuộc sống đẹp đẽ trong cộng đồng xã hội, chớ làm điều gì hổ thẹn với dòng họ.

Các làng xã cũ của Đồng Sơn đã tổ chức lực lượng trị an. Lực lượng này gọi là tuần phiên, chọn những đinh tráng khỏe mạnh, tháo vát, gan dạ, có trách nhiệm từ 18 đến 19 tuổi làm nghĩa vụ tuần phiên. Tùy theo phạm vi làng xóm tổ chức thành đội, hay nhóm luân phiên nhau làm nhiệm vụ bảo vệ “nội hương ấp, ngoại đồng điền”. Các đội, nhóm tuần phiên dưới sự điều khiển của Trương tuần hay Quả xã, ngày đêm phải tuần tra bảo vệ làng xóm mình. Còn phải làm nhiệm vụ canh đê điều trước khi lụt lớn. Phải chú ý tháng “củ mật” (tháng tết Nguyên Đán), cần phải tuần phòng cẩn mật. Khi có động các tuần phiên phải nhanh chóng tập trung ở nơi xảy ra sự việc. Hiệu lệnh báo động bằng tù và thổi liên tiếp, hoặc đánh trống ngũ liên (5 tiếng liền). Thù lao của tuần phiên được trích một phần công quỹ của làng, đồng thời được thu “Sương túc”: mỗi sào lúa 3 lượm, mỗi sào mầu 3 luống.

Ngoài việc bảo vệ trị an trong thôn xóm và đồng điền, kè cống, tuần phiên, tráng đinh còn phải đăng ký đi lính theo lệnh bổ của Nhà nước phong kiến. Người được làm lính, tráng cũng là người thay mặt cho nhân dân giữ gìn an ninh cho làng cho nước, coi đó là một nghĩa vụ cao cả, đồng thời cũng có quyền lợi thích đáng.

Tập tục về những ngày tết. Ở làng, xã cũ của Đồng Sơn cũng như nhiều nơi khác ở trong vùng thường có những ngày Tết như:

– Tết Nguyên Đán vào ngày 30 tháng chạp năm cũ và ngày mồng một, mồng hai, mồng ba tháng giêng năm mới. Đây là ngày Tết thường niên to nhất. Dù giàu, nghèo cũng phải ăn tết với yêu cầu “Đói giỗ cha, no 3 ngày tết”. Những ngày Tết thường sắm cỗ bàn, bánh trái, hoa quả để thờ cúng Tổ tiên, cúng thiên địa, các thần linh… cầu mong an sinh trường thọ, đắc phúc đắc thiện, đắc tài đắc lộc, “mọi sự như ý”. Những người thân trong xóm, trong họ thường chúc nhau thêm một tuổi thọ mạnh khỏe, làm ăn phát tài sai lộc. Có nơi ngày Tết cũng tổ chức vui chơi lành mạnh.

– Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) thường là Tết của các bà vãi lên lễ phật – theo quan niệm “Lễ phật cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Có nơi tổ chức hội chùa vào ngày này ở gia đình có nhà gói bánh, làm cỗ cúng trời đất Kỳ yên, cúng tổ tiên đầu xuân.

Còn nhiều Tết như: Mồng 3 tháng 3 là tết Thanh Minh thường là làm bánh trôi, bánh chay tết trong gia đình. Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 “giết sâu bọ”, mua hoa quả về cúng thần linh sáng sớm mọi người trong nhà đều ăn để trừ hết những sâu bọ. Tết rằm tháng 7 còn gọi là tết “Thượng Nguyên” người ta làm cỗ, nấu cháo cúng ở trong nhà hay các nghè, điếm ở xóm làng cho những vong hồn chết oan uổng vì lẽ khác, đói khát không có người cúng giỗ. Đây cũng là nếp sống đẹp, có ý thức từ thiện cho cả vong hồn người nhân dân đã khuất. Gần đến ngày rằm các cụ bà cử từng đoàn đi khuyên giáo, tiền, gạo, đỗ, ngô, khoan để góp phần nào cho làng cúng cháo cho chúng sinh… trong ngày rằm để “xá tội vong nhân”. Tết rằm tháng Tám gọi là tết Trung thu (chủ yếu là tết cho trẻ em). Gia đình nào cũng làm cỗ trông trăng, có thể là cỗ mặn, hoặc cỗ chay gồm xôi chè, kẹo bánh, hoa quả để trẻ em phá cỗ, rước đèn, đèn lồng, đèn ông sao, chơi đèn kéo quân… gia đình quây quần vui cỗ khi trăng lên cho đến trăng đến đỉnh đầu để phán đoán và ghi nhận lúa hai vụ được mùa hay mất mùa; mùa đồn rét nhiều hay rét ít để lo liệu ứng phó. Còn có tết “Trùng Cửu” ngày 9/9 ăn cơm mới. Rồi tết “Song Thập” 10/10 tết ông thày, bà cốt. Rồi ngày 23 tháng chạp tết ông Công ông Táo lên chầu trời. Những ngày này các gia đình nhiều, ít đều tổ chức ăn tết.

Những tục lệ trên đây là vấn đền rất phức tạp, gây tốn kém, phiền hà. Nhưng nó đã ăn sâu vào nếp sống của con người từ bao đời, có tác dụng nhất định trong hướng thiện và ý nghĩa tâm linh, cũng là nét đẹp trong văn hóa cần chọn lọc, bảo tồn, tôn trọng trong cuộc sống – có những vấn đề nó tồn tại với giá trị văn hóa phi vật thể.

Tôn giáo và tín ngưỡng: Ở Đồng Sơn về tôn giáo chỉ có đạo Phật và tín ngưỡng. Người dân vẫn quan niệm rằng các vị thần linh thánh mẫu đức phật… luôn phù hộ cho nhân dân trăm họ được hưởng thái bình muôn thuở, được an cư lạc nghiệp, có cuộc sống ấm no, thanh nhàn, đông con nhiều cháu.

Xã Đồng Sơn có chùa Linh Sơn ở Phấn Sơn, chùa Diên Khánh ở làng Chùa. Trừ làng Đồng Sau còn tất cả các làng đều có đình đền, miếu thờ nhân thần và thiên thần.

Việc tôn thờ thánh thần, thờ Phật là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Từ những chuyện huyền thoại, truyền thuyết về sự thiêng liêng của thánh thần, của Phật pháp… đã tiềm ẩn trong tiềm thức của người dân, là biểu tượng quyền lực tinh thần. Theo quan niệm của nhân dân Đồng Sơn, thần linh, Phật ứng luôn quan sát việc làm, hành vi của chúng dân, hướng họ làm việc thiện, tránh điều ác giúp ích cho đời, xây dựng lòng từ bi bác ái, không làm gì tội lỗi. Việc thờ cúng còn để phục vụ cho hiện thực cuộc sống của nhân dân. Trước là để tưởng nhớ, tôn thờ người có công  sau là để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho mọi người.

Ở Đồng Sơn về tín ngưỡng và tôn giáo khá phong phú đa dạng. Các công trình thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, 18. Có ngôi đình, đền chùa tiếp tục được trùng tu và phải xây dựng lại vì giặc Pháp tàn phá hoặc lý do khác phải di dời đi nơi khác.

Chùa Phấn Sơn: Chùa “Linh Sơn Tự” liền kề với đình. Tương truyền, giặc cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, từ thời bị nhà Thanh đánh dẹp chạy sang ta tàn phá cả chùa và đình. Lưu Vĩnh Phúc có giúp Đề Thám đánh Pháp tụ nghĩa tại vùng ta (người thì nói là giặc cỏ) – nên ở Đồng Sơn mới có họ Lưu. Mãi về sau nhân dân dựng lại – không nhớ được niên đại. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có 3 máy bay Đacôta của địch đến ném bom – cả chùa và đình lại bị phá hủy hoàn toàn. Nhân dân lại góp phần công góp của xây dựng lại. Chùa Thờ Phật tổ, nhưng bị phá hoại mấy lần nên tượng phật chưa đầy đủ như các chùa khác. Năm 1971 lụt to – không biết ngôi chùa Linh thế nào mà tượng phật tạc bằng gỗ ở đâu trôi dạt vào chân núi, nổi lềnh bềnh dưới cánh đồng nước trắng băng. Nhân dân Phấn Sơn vớt hết về tắm rửa sạch sẽ, rồi tô lại như mới. Xây bể tượng, đón thầy chùa cao tay về cúng bái rồi đưa từng pho lên bệ – an vị. Thế là chùa Linh Sơn có được bộ tượng phật đầy đủ như các ngôi chùa khác. Nhân dân thấy vậy rất vui mừng, càng tăng thêm tín ngưỡng, khắc sâu tâm linh – ngôi chùa này thêm tố hảo. Đây là một di sản văn hóa quý về giá trị điêu khắc Đình và Chùa Linh Sơn đã được cong nhận là di tích Lịch sử văn hoá.

Hàng năm, đến ngày 04 tháng giêng. Phấn Sơn mở Hội chùa, nhân dân tham gia khá đông đúc.

Chùa làng Bún chùa: có tên là Chùa Diên Khánh đã được cấp trên công nhận là “di tích lịch sử – văn hóa” của tỉnh, chùa có nhiều tượng phật quý, như tượng đá xanh tạc từ thời Lý. Từ Tam bảo đến hai hành lang tả, hữu tượng khá đẹp  và đầy đủ. Chùa thuộc môn Bổ, phái Lâm Tế. Khi mới thành lập, có công Nguyễn Quang Trực người làng Đồng Quan làm ông Tự.

Sau đó các thế hệ ni sư: Đàm Đại, Đàm Điền, Đàm Luân, Đàm Nghi, Đàm Thìn, Đàm Tại đều đã viên tịch đem về chốn tổ. Hiện nay còn có Đàm Nghiêm, Đàm Trang trụ trì chùa.

Ngày lễ lớn vào mồng 6 tháng giêng hàng năm, các vãi thập phương đến lễ bái, cầu nguyện và vãn cảnh rất đông. Hội chùa mở vào hai ngày rằm và 16 tháng giêng hàng năm khách thập phương có đủ thành phần già trẻ, trai gái đến rất đông – Hội có hai phần cúng lễ và vui chơi.

Trên cơ sở sách đã chép nói trên, liên hệ ở xã Đồng Sơn, căn cứ vào tín ngưỡng dân gian, với những truyền thuyết và những câu chuyện huyền thoại đã lưu truyền thì hệ thống đình, đền, miếu ở các thôn, làng cụ thể như sau:

Đình thôn Phấn Sơn: (Khi tách làng Tân Độ ra, đình Phấn Sơn xây lại sau khi giặc cờ đen tàn phá). Rồi lại đến giặc Pháp ném bom tàn phá, đã xây lại tuy không được như cũ nhưng cũng là một ngôi đình khang trang, to đẹp. Vì mất Thần Phả, nhân dân truyền miệng lại và những người cao tuổi đã xác nhận. Đình thờ Cao Sơn – Quý Minh, tướng của vua Hùng, có công đánh Thục Phán giữ gìn thống nhất đất nước. Thời nội chiến Hùng – Thục, chiến tuyến của hai ông tướng quân diễn ra ở khắc vùng Lạng Giang, Yên Dũng – nhất là dọc dưới chân núi Nham Biền. Tuy mất Thần Phả, nhưng nhân dân Phấn Sơn còn giữ được 12 đạo sắc, nhất là thời Cảnh Hưng năm 1628, gần nhất là thời Khải Định năm 1924 – các đạo sắc có nói về thần tích. Xuân, Thu nhị kỳ vào đám, nhập tịch tối 14 tháng 2 và 14 tháng 8 (âm lịch), có tế lễ, rước thần, hát chèo và nhiều trò vui. Năm hội lệ hết ngày 16 tháng 2 cánh cửa đình; đóng đám tháng 8 thì mở cả 12 cánh cửa đình. Có năm kéo hội tới hàng tuần lễ.

Phấn Sơn còn có một ngôi đền Nghè Cống thờ quan Quận Công. Giỗ ngày 12 tháng 10 âm lịch, nhưng mất thần phả nên không rõ tên.

Như trên đã nói, bà Chúa thứ hai đi rắc chấu nhận ruộng, chấu dạt vào chân núi, làng được ít ruộng, nhưng cũng xây Nghè ở Cống Quan để dân làng thờ Bà với bài vị: “Lê Triều đệ nhị Hoàng Y Công chúa”. Hàng năm cứ đến ngày 9 tháng 10 âm lịch giỗ bà, dân làng chồng kiệu rước nồi hương ra đền tế lễ. Trước kia chỉ có một ngôi đình, làng Tân Độ (nay thuộc xã Tân Liễu) xây đình riêng sao sắc thần về thờ. Mỗi khi rước kiệu ra Nghè, nều kiệu Tân Độ ra sau thì cứ đi, ra trước thì phải đợi cùng đi, nếu không làm đúng như vậy thì thánh giận “hóa chân hương” là làng hữu sự đáng lo ngại.

Thôn Phấn sở: Có đình thờ bà Chúa Cả – khi vua cho về nhận ruộng, bà rắc tro lên mặt nước tro chìm xuống, gió không trôi nên nhận được nhiều ruộng, dân làng làm tờ khải tấu lên triều đình, được nhà vua phong sắc cho bà là: “Lê triều đệ nhất Hoàng Y Công chúa”, được làm Thành hoàng làng.

Trong đình có bức hoành phi đề “Vạn cổ anh phong” trên thượng lương đề: “Lê, Lý, Trần, Lê nhị hậu” (tức là đời hậu Lê, sau tiền Lê qua hai đời Lý, Trần).

Cạnh đình 400m có một ngôi nghè – gọi là nhà sắc. Hàng năm mở hội vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, rước sắc từ nghe ra đình tế lễ, có khi mở hội tới hai, ba ngày. Có thể vì thành hoàng là nữ, nên lễ hội hát ả đào (ca trù) diễn ra suốt từ những ngày hội.

Đình làng Sở: Thờ Thánh mẫu, mất thần phả, dân làng còn nhớ lời mật khẩu truyền lại theo truyền thuyết như sau: “Hoàng triều Lê hậu đức Thánh mẫu thượng đẳng thần hiệu Phụng Thị Như Hòa – hay còn có tên húy là Thánh mẫu Phùng Thị Nhan”. Đây là sở đồn điền Phấn Trì thời nhà Lê – do họ Phùng dựng đình. Theo truyền thuyết, họ Phùng có người con gái lấy vua, khi chết được phong thần làm Thành Hoàng Làng.

Cũng có truyền thuyết nữa là Phùng Thị Nhan (có lẽ tên Phùng Đẳng Như Hòa là một) do chồng con muộn mằn, đêm nằm mơ tắm ở sông Như Nguyệt gặp Giao Long cuộn phủ – về mang thai sinh ra một bọc 3 người con – có đôi câu đối ở đình và chùa bằng chữ hán đề:

Phiên âm: “Nhất bào phong địch tam huynh đệ

Vạn cổ huân cao nhất thánh thần”.

Dịch nghĩa: “Một bọc sinh ra ba anh em

Muôn thuở công lao một thánh thần

(Câu này có nghĩa là công lao cùng một thần).

Còn lại ba ngôi đình thờ 3 người con:

Đình làng Sòi: Thờ người con cả, hiệu là Phúc Long Đình, Tam giang Thánh đức. Đương giang đô hộ, Dương thanh chấn vũ đại vương thần.

Đình làng Chùa: Thờ người con thứ hai, hiệu là Đăng Tiên Đình, Tam giang hiển Thánh, Linh ứng long nho, Đương giang hộ quốc đại vương thần.

Đình làng Đồng Quan: Thờ người con thứ 3, húy là Trương Long Lừng, Tam giang hiển Thánh, uy dịch đương giang hộ quốc đại vương thần.

Tục truyền rằng người con thứ 3, chức tước to hơn, tính tình kiêu ngạo, dễ chấp nên các anh đều nhượng nể. Khi lễ hội, rước kiệu bài vị, nên kiệu hai anh đến trước phải chờ kiệu em thứ 3 đến mới nhập lễ. Dân Đồng Quan được ngồi một nửa nơi hành lễ, còn dân các làng khác chỉ được ngồi một nửa.

Đình làng Đồng Quan do nhu cầu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp đã rỡ đi để xây trại chăn nuôi tập thể từ đầu thập kỷ 60 – Sắc đã đưa về hiện nay.

Hệ thống đình của xã Đồng Sơn đều thờ đức Thánh Tam giang – Đồng thời thờ Thánh Mẫu đẻ ra 4 người con trai, 1 người con gái. Riêng đình Phấn Sơn thờ Cao Sơn – Quý Minh đại vương làm thành hoàng (như vậy là thờ cả hai anh em sinh đôi như đã nói ở trên). Theo tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết ở hai bên bờ sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam có tới hơn 300 làng thờ đức Thánh Tam Giang.

Ở làng Vân Mẫu xã Vân Dương huyện Quế Võ có người đàn bà họ Phùng tên Nhan, bố mẹ mất sớm nên cuộc sống lận đận, chồng con muộn mằn. Một hôm bà nằm mơ đi tắm ở sông Nguyệt Đức gặp Giao Long cuộn phủ, sau về nhà mang thai. Bà sinh được 5 người con đặt tên thứ tự là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Thị Dạm Nương. Lớn lên anh em họ Trương gặp lúc giặc Lương sang xâm lược nước nhà. Hai anh em Hống, Hát theo Triệu Quang Phục đi đánh giặc. Quang Phục mất Lý Phật tử lên thay. Hai ông không thờ hai chủ nên đã bỏ về quê. Phật Tử cho mời hai ông mấy lần ra tiếp tục làm quan nhưng hai ông đều từ chối. Cuối cùng bức bách quá họ đã đưa cả gia đình lên sống ở vùng Đu Đuổm (Thái Nguyên). Nhưng rồi ở đó cũng chẳng được yên. Hai ông đã đóng một chiếc thuyền gỗ đưa cả gia đình xuống để xuôi theo dòng sông Như Nguyệt mà đi. Đến ngã ba Xà (sông Cà Lồ giao với sông Như Nguyệt) họ đục thuyền và cả gia đình tuẫn tiết ở đó. Hôm ấy là ngày 10 tháng 4 âm lịch.

Nhà vua biết chuyện vô cùng thương cảm đã phong cho hai ông làm thần gọi là Long Quân phó sứ, cai quản cả vùng sông này và lệnh cho các làng ven hai bờ sông cùng một số nơi khi xưa hai ông đánh giặc đi qua lập đền thờ, gọi là Thánh Tam Giang.

Thần họ Trương tên Hống, cùng với em là Hát, đều làm tướng của Triệu Việt Vương sống ẩn ở núi Phù Long. Hậu Lý Nam Đế triệu ra, nhưng không theo, rồi đều uống thuốc độc chết. Khi Nam Tấn Vương, nhà Hậu Ngô đem quân đánh Lý Huy, đống ở cửa Phù Lan đến đêm mộng thấy hai anh em họ Trương đến yết kiến và xin theo đi giúp quân. Khi đánh tan được giặc, Nam Tấn Vương phong cho người anh làm Đại Đương Giang đô hộ Quốc Vương thần, lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt, phong cho người em làm Tiểu Đương Giang đô hộ Quốc Vương thần, lập đền thờ ở cửa sông Tam Giang (có sách chép là Nam Giang, lại có sách chép là Bình Giang). Đời Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt chống nhau với tướng Tống là Quách Quỳ, Triệu Tiết ở sông Như Nguyệt,          đêm đến nghe có tiếng ngâm thơ ở trong đền rằng “Nam quốc sơn hà Nam đến cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Sau quả nhiêm quân nhà Tống bị thua.

Thờ Cao Sơn – Quý Minh đại vương ở tỉnh Bắc Giang có nhiều nơi thờ. Theo sử sách, Cao Sơn đại vương tên húy là Nguyễn Hiển, anh em sinh đôi với Nguyễn Sùng (Quý Minh đại vương) và là em con chú ruột của Nguyễn Tùng (Tản Viên Sơn Thánh) hiệu là Cao Sơn đại vương tả khiển thần và Quý Minh đại vương hữu khiển thần đều làm tướng súy giúp Hùng Duệ Vương đánh Thục Phán lập nhiều chiến công oanh liệt mà trong lịch sử dân gian gọi là chiến tranh Sơn Tinh – Thủy Tinh. Tựu trung lại, là những địa phương mà nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, các vị thần đó chính là biểu tượng cho sức mạnh chống thiên tai lũ lụt…

Đồng Sơn có một ngôi đền cả xã phải thờ cúng – Đó là ngôi đền dựng tại gốc cây đa tán (thường gọi là dốc Sở – hay dốc Bùm tum, vì xưa cây cối ở đó rậm rạp) bên bờ sông Thương. Nơi đây có bến đò, gọi là bến Trản, có chợ, gọi là chợ mới. Tương truyền (nghĩa là cùng truyền lại với truyền thuyết thờ Thành Hoàng) ngôi đền này thờ bà cô tên là Trương Thị Dạm Nương, xinh đẹp, nhưng vì duyên phận lỡ dở, tuẫn tiết xuống dòng sông, kết duyên với vua Thủy Tề – chết vào giờ linh, nên dân trong vùng lập đền thờ.

Trước đây cửa đền hướng lên bờ đê, nơi có con dốc lên đê. Người đi chợ vô ý đi qua cửa đền không hạ nón, không xuống ngựa, bị bà quở phạt. Vì thế sau phải xây lại hướng nhìn xuống sông, chợ và đền cũng đã phá bỏ từ lâu, nay không còn vết tích.

Khi còn ngôi đền, không có lệ tế thường niên, chỉ có hương đăng do một số người sùng kính tự nguyện đảm nhiệm. Mỗi khi thời tiết không thuận hòa, bị hạn kéo dài, mất mùa, các làng xung quanh bàn bạc tổ chức lễ “Cầu đảo” (cầu mưa) có rước kiệu đức Thánh mẫu và kiệu 3 ông con trai, dựng rạp ở bãi chợ (khu đền) tế lễ 2 đến 3 ngày cầu cho mưa thuận, gió hòa, mưa xuống cho đồng ruộng xanh tươi, cho dân được ấm no. Lần lễ “Cầu đảo” nào cũng linh ứng, tế lễ đến ngày thứ 2, thứ 3 là thấy mây đen kéo đến, tối sầm bầu trời, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước xuống những cánh đồng kho nẻ, làm cho nhân dân trong vùng vô cùng phấn khởi, tín ngưỡng tâm linh đã thành sự thật.

Ngôi đền trước đây xây dựng cách đình làng 200m không còn. Đền xây sát bờ đê ngòi Bún giáp địa giới với thôn Yên Khê, xã Song Khê. Nhân dân làm chiếc cầu gỗ qua ngòi gọi là cầu Bún – nay cũng không còn. Đền thờ đức thánh Quý Minh đại vương hữu khiển thần, là em ruột sinh đôi cùng Cao Sơn đại vương, là thành hoàng làng Phấn Sơn, sách đã dẫn ở trên. Tên húy là Nguyễn Sùng – hiệu Quý Minh là em, húy là Nguyễn Hiển, hiệu Cao Sơn là anh – hai anh em sinh đôi – là cháu gọi Nguyễn Tùng là chú ruột (Tản viên Sơn Thánh) có công giúp Duệ Vương, lập nhiều chiến công, mà lịch sử dân gian gọi là cuộc chiến tranh Sơn Tinh – Thủy Tinh. Nay ngôi đền này đã được xây dựng lại tại Trung tâm văn hóa của làng. Đưa sắc về và đắp tượng đức thánh Quý Minh đại vương, an vị tại hậu cung đền, nom lộng lẫy thu hút tâm linh. Nằm sát cửa vào hậu cung là ngôi “Tiền đình” 5 gian rộng rãi theo kiến trúc cổ, gian giữa áp mái hậu cung đặt hương án, đồ thờ, đồ tế lễ. Còn lại mỗi bên hai gian và một phần gian giữa để không gian làm nơi hành lễ, sinh hoạt tâm linh của dân làng. Đồng thời phía tường sau hai bên đặt tượng hai vị có công với dân với nước.

Một là: một bên đặt tượng quan Quận Công, Tổng Thái Giám, Mật Lộc Hầu, Nguyễn Công Luận. Tấm bia đá dựng ở đền khắc từ năm Vĩnh Thịnh thứ 7, tháng chạp năm Đinh Dậu, cách đây 283 năm cho biết. Ông đã cho dân làng Bún cửa ngòi 1.100 quan tiền để xây dựng đình, cấp cho dân 120 thửa ruộng cấy lúa, 71 thửa gieo mạ, 1 cái ao, cho tiền mua một cái chiêng, 4 kiện vải màu xanh dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, số ruộng của quan Nguyễn Công Luận chiếm phần lớn ruộng cấy lúa, gieo mạ của làng Bún Cửa Ngòi. Vì thế mới đổi tên là làng Bún Đồng Quan (đồng ruộng của quan).

Hai là: Một bên đặt tượng quan Đặc tiến phụ quốc, Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Trí, có công lao lớn đánh giặc giữ nước mang lại vinh quang cho gia đình và quê hương (tấm bia đá đã ghi).

Bước vào cửa đền, nom lộng lẫu, nguy nga. Nhìn những bức tượng thờ tăng thêm sự thu hút tâm linh, tôn vinh giá trị lịch sử trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Làng Đồng Quan còn lập đền thờ quan Huấn Khoa đại vương, dạy học trong triều đình, được vua phong sắc thần. Đền dựng bên trục đường đi có bia “Hạ mã” ở cửa, người đi qua lại, nếu cưỡi ngựa thì phải xuống ngựa, nếu đội nón che ô thì phải hạ để tỏ lòng tôn kính – nếu không sẽ bị quở phạt.

Tín ngưỡng dân gian còn kể rằng: Ngoài đình, đền ra làng Đồng Quan còn có một ngôi miếu ở cạnh đền ngày xưa, thờ bà cô ruột Quý Minh đại vương, tên là ả Ngọc Thanh (còn có tên là Ngọc Khanh) xinh đẹp, hát hay, làm kỹ nữ trong cung đình. Bà mất vào giờ linh nên dân làng lập miếu thờ – gọi là miếu Bà cô. Có lẽ từ tín ngưỡng thần linh, thờ người con gái xinh đẹp hát hay, mà con gái làng Đồng Quan cũng như một số nơi trong xã có nhiều nét “Công, dung, ngôn, hạnh” có truyền thống ca hát từ xưa đến ngày nay.

Làng Đồng Quan xưa nghèo, tuy là một làng nhỏ, không những bỏ công sức xây dựng nhiều công trình văn hóa, mà còn xây lăng quận công Tổng Thái Giám Mật Lộc Hầu, Nguyễn Công Luận. Lăng xây bằng đá ong, thành đứng, cao to, bề thế. Phía trước lăng có sập đá, đẳng đá để hành lễ; đặt 2 phỗng đá, hai con chó đá để bảo vệ. Năm 1963, huyện xây dựng trạm bơm Cống Bún đã di lăng đến một địa điểm khác có thế đất và cao ráo hơn. Khi khai quật ngôi mộ cổ này để giải phóng mặt bằng thấy trong quan ngoài quách, bật nắp lên thân hình còn nguyên vẹn, mặc triều phục uy nghi tề chỉnh. Xác được ướp theo phương pháp khoa học xưa, mùi hương trầm còn thơm – Đóng nắp quách, quan vào để nguyên di chuyển đến địa điểm mới. Một số đồ đá đưa về đền – nơi trung tâm văn hóa của làng để tiện bảo quản, thờ cúng và chiêm ngưỡng, nay vẫn còn.

Về lễ hội: Việc thờ các vị thánh thần ở Đồng Sơn là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Vì vậy nhiều làng trong xã (tất cả các làng Bún) đều có ngày lễ hội chung vào ngày 16 tháng giêng hàng năm. Cho nên xưa đã có câu:

Dù ai đi đông về tây

Nhớ ngày mười sáu về đây hội làng

Đầu năm chúc khách giàu sang

Mời về dự Hội với làng chúng tôi

Lễ hội nhằm phục vụ cho đời sống văn hóa, đồng thời để tưởng nhớ và tôn vinh những người có công với dân với nước, giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho toàn dân.

Ngày mở hội ở Đồng Sơn từ xa xưa tới nay, bao giờ việc rước thần đến hội tụ ở một nơi định trước được cử hành đầu tiên. Rước thần diễn ra uy nghiêm, hoành tráng, lộng lẫy. Đám rước ở mỗi làng đều có kiệu bài vị, hoặc sắc thờ, cờ quạt, tàn lộng, bát biểu, dùi đồng phủ việt… có chiêng trống, phường bát âm và các đồ rước khác để diễu hành từ đình, đền làng đến địa điểm tập trung để cúng tế. Các cụ ông, cụ bà, trai làng được cắt cử vào việc rước đều trang phục chỉnh tề như: Áo nậu (áo rước), áo, mũ tế lễ… cắt cử người nào việc ấy với ý thức chấp hành nghiêm chỉnh, trật tự. Dân chúng và các nơi khác với bộ quần áo đẹp đi xem rước hội rất đông, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt trong ngày hội.

Trong những ngày hội, ở các đình làng tổ chức tế lễ uy nghiêm thu hút tâm linh hướng vào nhân thần, thiên thần để chiêm ngưỡng. Trống, chiêng nổi lên, phường bát âm phục vụ tế tự âm vang xóm làng. Phần tế lễ xong, ban ngày tổ chức hát “Nhà tơ” (ca trù), ban đêm phường chèo diễn tích chuyện đặc sắc để thờ thành và làm vui cho dân làng. Ban ngày ngoài sân, bãi tổ chức các trò chơi có giải như: đấu vật, cờ tướng, tam cúc điếm, hát ví giao duyên, hát ghẹo mời trầu, trai gái trao nhau kỷ vật làm tin, tìm hiểu nhau để xây dựng mối tình trăm năm hương lửa. Hội thông thường tổ chức tới hai ngày làm cho xóm làng rộn ràng sôi động. Phần đông đều đón khách thân về nhà thiết đãi, giao lưu tình cảm thêm vui vẻ, gắn kết cộng đồng sau một năm lao động sản xuất vất vả – cầu chúc nhau bình an, mạnh khỏe thành đạt trong cuộc sống.

Đồng Sơn cũng như nơi khác có tới 90% nhân dân không biết chữ Nho. Nhưng ở một số làng nhà giàu có, chức vị cao cũng đón thầy đồ Nho về nhà trước là cho con cháu học, đồng thời cũng tiếp nhận học trò ở trong làng, hoặc ở nơi khác đến học để có cơ hội nâng cao dân trí, để kiếm tấm bằng giành địa vị trên con đường công danh và lập nghiệp… Người theo học phải góp tiền gạo nuôi thầy. Mỗi trường học độ vài ba chục học trò cử ra một người làm “Trưởng tràng” để quản lý điều khiển; học trò gọi là “đồng môn”. Khi thầy qua đời các môn sinh phải đến lo việc tang, việc giỗ chạp. Trình độ của thầy cũng có ông học vị cao, cũng có ông học vị bình thường như khóa sinh, tuyển sinh chẳng hạn. Cha mẹ cho con đi học cũng có người mong được “Vinh thân phì gia” làm nên nghiệp lớn. Cũng có người mong cho con biết đọc văn tế, biết viết văn tự – hoặc hơn nữa để trở thành ông đồ, ông lang, thầy ký… để khỏi bị người lòe bịp thế là vinh hạnh rồi. Thầy dạy cho trò từ sách vỡ lòng “Tam tự kinh” cho đến “Tứ thư, ngũ kinh”. Thời gian mỗi học trò từ 9-10 năm, người học kém thì thời gian kéo dài thêm, nhưng chẳng có mấy đỗ đạt cao. Tuy nhiên ở Đồng Sơn cũng có một số danh nhân ngày xưa đỗ đạt cao, có chức vị trong triều đình. Đặc biệt ở làng Đồng Quan có quan Huấn khoa đại vương, người dạy học trong triều đình – bậc túc nho – học cao danh vọng lớn; theo chiếu của nhà vua làng đã lập miếu thờ. Đó là người tiêu biểu về nho học và vinh dự cho xã Đồng Sơn.

Thực chất đình chùa, đền miếu, nghè… ở Đồng Sơn đều thờ các vị nhân thần, thiên thần theo sách đã chép, theo các câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết tạo nên tín ngưỡng dân gian truyền thống từ xa xưa. Là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, là nơi hành đạo tín ngưỡng theo sắc chỉ đã phong và lưu truyền theo thần phả, thần tích có nơi còn giữ được, có nơi đã thất lạc, nhưng được nhân dân truyền miệng. Về mặt tư tưởng chủ yếu là hướng thiện, dựng đạo và giữ đạo cho con người. Về hình thức cũng tạo cho con người qua hội hè, hành lễ làm cho mọi người phấn chấn, sau những ngày lao động vất vả, có phần được thưởng thức sinh hoạt tinh thần, tạo nên cuộc sống thẩm mỹ thuần khiết. Tuy vậy cũng có phần do thờ cúng mà phát sinh, biến dạng qua quá trình hoạt động của các ông thầy chùa, thầy cúng, một số người hành đạo không chân chính mà sinh ra “mê tín dị đoan” làm ảnh hưởng không tốt đến cái tâm của việc hành đạo. Những phong tục tập quán nói trên nó ra đời từ một cư dân sống độc canh trồng lúa nước. Nó vừa biểu hiện tín ngưỡng dân gian vừa tỏ rõ sự cần cù, lòng quả cảm của con người trong cuộc sống đấu tranh vật lộn với thiên nhiên, để sinh tồn và phát triển. Đồng thời cũng tỏ lòng nhân nghĩa và nếp sống cao đẹp: Có trước có sau, có xưa có nay, làm cho cộng đồng gắn bó với nhau trong tình đời.

Về trình độ văn hóa và hoạt động văn hóa xã hội, nhân dân Đồng Sơn có tới 90% không biết chữ. Một số làng những nhà khá giả cũng đón thầy đồ Nho về trước hết là dạy chẽ cho con cháu trong làng và tiếp nhận học sinh làng khác ở lân cận đến học. Ngày xa xưa, Đồng Sơn cũng có những người đỗ đạt cao làm quan trong triều đình, còn nói chung ở nông thôn chỉ có một số có thể đếm đầu ngón tay đỗ tới Khóa sinh, Tuyển sinh (gọi là ông Khóa) biết đọc văn, viết văn, viết văn tự. Thời đó người biết chút chẽ được nhân dân trọng dụng và nhờ vả khi cần thiết.

Về trang phục và ăn uống cũng là những nét đẹp về văn hóa ở nông thôn  cốt sao “ăn lấy đặc mặc lấy dày”. Về mặc ngày xưa mặc vải thô sợi bông khổ nhỏ, nhuộm nâu là chính. Đàn ông để tóc dài, búi quả bòng trễ sau gáy – đội khăn quấn bằng vải lượt vải nhiễu màu tím, trán để chữ nhân, khi đội khăn thì đưa búi tóc lên vành khăn đằng sau; mặc áo ngắn 5 thân cúc cài bên trái, quần rộng cạp to, thắt nút (thắt tum). Người nhà giàu làm sang thì thắt lưng bằng lụa hay bằng vải, thường thắt giữ cạp quần khỏi tụt. Người nghèo đi lao động vì thiếu quần nên phải đóng khố bằng vải. Người giàu, có thể mặc quấn áo sồi, lụa (dệt bằng tơ) nhuộm nâu, gụ, hay vải “đồng lầm” (như vải phim mỏng bây giờ) màu nâu hay cánh gián, chân đi guốc mộc, guốc sơn (bằng gỗ). Khi đi chơi, đi hội hè đám thứ thì mặc áo dài đen vải láng vải the, hoặc vải thô nhuộm đen – gọi là vải thâm đất, quần trắng vải “trúc bâu” đi giày “da định” mũi nhọn màu đen nom láng bóng; có ô đen che nắng hay đội nón chóp dứa… các bậc thượng lưu, là chức dịch thường mặc áo dài gấm, áo đoạn mớ đôi (trong áo trắng) dài, quần “trúc bâu” trắng, chân đi giày “chí long”, che ô lục soạn – đó là loại sang và lịch sự nhất. Người nông dân bình thường chỉ ước được cũng khó chứ còn nói gì được dùng. Đàn bàn để tóc dài, vấn khăn vải nâu, vải trắng, nhiễu, nhung, tóc rẽ đường ngôi giữa, đầu đội khăn vuông “mỏ quạ” bằng vải láng, phim đen, người giàu sang thì đội khăn nhung, đội nón ba tầm quai thao; mặc áo cánh cổ thìa, có khi đổi thân bằng màu khác ở tay hay ở nửa bên lưng áo, ngực mặc yếm trắng, yếm đào (các cụ thường mặc yếm cổ xẻ thêu con nhện); thông thường đàn bà mặc váy may bằng vải thô nhuộm nâu, dấn bùn, khi mới thì đen, khi cũ trở thành mầu mốc (gọi là váy mốc), thắt bao tượng dải yếm bằng sồi, bằng lụa nhuộm màu hoa lý màu nâu đỏ, màu hồng, thắng lưng đen sồi xe…. Ngoài phấn áo đằng trước để lộ yếm; mặc váy lụa trong có váy trắng ngắn, chân đi dép cong quai chéo, đầu đội nón thúng quai thao, ở thắt lưng dắt xà tích ống vôi, quả đào bằng bạc. Trang phục và trang sức như vậy chỉ nhà giàu mới có. Còn nhà nghèo thì vẫn vải thô, nâu sồng váy mốc, chân đi đất. Có nhà nghèo thì vẫn vải thô, nâu sồng váy mốc, chân đi đất. Nói chung con trai, con gái ai cũng đến thời kỳ hết răng sữa (13-14 tuổi – chậm thì 15-16 tuổi) là nhuộm răng đen. Việc này cũng tốn công phu. Tuổi dậy thì ai cũng có hàm răng đẹp để làm duyên. Răng nhuộm bằng “Cánh kiến” nghiền nhỏ trộn với nước chanh quả, quết vào mảnh lá mía hay lá cau vừa bằng hàm răng, quấn giấy bản bên ngoài, để giữ thuốc cài vào hai hàm răng. Cứ thế ngậm liên tục từ 5-6 đêm (tứa nước miếng ra cố gắng ngậm trong miệng, nhổ đi màu thuốc sẽ mất), khi răng thành màu mận chín, dùng “bầu bí” (có bán ở hàng tạp hóa) nghiền nát xỉa vào răng sẽ thành màu đen nhẫy. Những ngày nhuộm răng ăn không được nhai – nuốt trửng. Khi màu răng đã đạt yêu cầu phải “chiết” bằng phèn đen hoặc than gáo dừa (hòa ra nước ngậm vài ba ngày) để màu răng lâu bạc. Con trai con gái đến tuổi dậy thì, mà có hàm răng đen như hạt na thật lý tưởng: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Nếu ai không may, không chịu đựng nhuộm mà có hàm răng “cải mả” (không ra đen không ra trắng) thì thật đáng buồn; bị người ta cười cho là tham ăn, cho nên ngày xưa đã có câu: “Răng đen ai nhuộm cho mình, cho răng mình đẹp cho tình ta say”, hay con trai có câu “năm quan mua lấy miếng cười, miệng quan chẳng tiếc tiếc người răng đen”. Đặc biệt, trẻ con phần lớn là cạo trọc đầu, mùa hè ở trần, 7-8 tuổi con trai để chỏm ở đỉnh đầu (gọi là hồng mao), con gái để một đám tóc ở trước trán gọi là để “cút” đến tuổi dậy thì mới nuôi tóc.

Nhìn vào trang phục thời xưa, nom con người cũng duyên dáng, thùy mị, mềm mại, hiền từ, lịch thiệp. Con trai cũng như con gái có nét đẹp truyền thống của nó, nét đẹp bản sắc dân tộc mà ngày nay ta đáng khai thác và phát triển về những cái đẹp của cha ông ta ngày xưa.

Đàn ông thường gánh vác những việc nặng nề trụ cột trong gia đình. Người đàn bà đảm nhiệm việc tề gia nội trợ cho nên bao đời nay còn để lại câu “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” hoặc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ngày nay vẫn còn giá trị thực tiễn và đang là chuyện đương thời, có khi ta hiểu chưa đầy đủ ý nghĩa của nó. Câu cửa miệng thường nói “Con có cha như nhà có nóc”. Sự phân công của giới khá rõ ràng như vậy, để đều có trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Nhưng với thiên chức của mình thì người phụ nữ vất vả hơn.

Ở Đồng Sơn cũng như ở nơi khác, khi bố mẹ xây dựng gia đình riêng cho con trai, thường là lấy vợ xong phải làm nhà làm cửa, cho một ít vốn liếng, rồi cho ở riêng để tự do lo liệu cuộc sống khi đã trưởng thành. Vì thế những gia đình đông con trai, cha mẹ rất vất vả, phải lo suốt đời cho xong, cho nên có câu “Tam nam bất phú tứ nữ bất bần”. Cũng vì lý do đó một phần nên con trai thường lấy vợ sớm (tảo hôn) để có con dâu đỡ đần, đồng thời cũng sớm để các con yên bề gia thất. Con gái mà ế chồng, con trai mà ế vợ thì coi là “bà cô ông mãnh” cha mẹ không yên lòng. Người ta quan niệm coi con gái 18 tuổi, con trai 20 tuổi chưa chồng chưa vợ coi là ế. Về mặt xã hội thì mỉa mai “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”. Vì thế nên nạn tảo hôn cũng đã xảy ra những hậu quả khôn lường.

Ở Đồng Sơn từ xưa còn có phong trào hát ví, hát trống quân, hát chèo… để mua vui trong những ngày hội, sau những mùa vụ vất vả, làm cho tinh thần phấn chấn, tình người càng thêm gắn bó. Những đêm xem chèo hát ví, cũng là dịp trai gái tìm hiểu, giao duyên lứa đôi lành mạnh. Phong trào này được hoàn toàn hưởng ứng và ủng hộ. Không những hát hội vào mùa xuân, mùa thu mà trong lao động đi cấy đi cày hay những công việc làm tập thể trai gái vừa làm vừa hát với như như hát ghẹo, hát giao duyên, hát đố, hát họa… bằng thể thơ “song thất lục bát” cho vui, quên đi sự mệt nhọc. Hát ví, hát trống quân là một di sản văn hóa quý báu của nhân dân ta ở đồng bằng bắc bộ, ở tình ta cũng như ở Đồng Sơn mà cha ông ta đã sử dụng từ bao đời, nay còn có giá trị đối với người nông dân đang được giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Hát chèo ngày xưa cũng được các làng trong xã ta ưa chuộng. Không có mấy nơi ngày việc làng, khao vọng, cưới xin không đón phường chèo đến hát. Từ ngày xưa, Phấn Sơn, Phấn Sở, Đồng Quan đã có phường chèo, đã có những nghệ nhân được nhiều người ca ngợi. Phường chèo không những phục vụ nhân dân trong xã mà còn được đón đi phục vụ nhân dân các nơi khác trong vùng. Phường chèo thường diễn các ở Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương lễ, Nhị độ mai… Chủ đám khoán gọn, cơm ăn tiền lấy, hoặc khoán gọn mỗi chầu (đêm) hát là bao nhiêu tiền. Phường chèo thành phần có già có trẻ (rất ít có nữ) để phân vai cho hợp với lứa tuổi, cửa ra một ông trùm đón thầy về dạy trông nom về nghệ thuật, dựng vở. Phường còn cử ra ông “trùm chứa”, có nhà rộng để tập diễn. Ông trùm có trách nhiệm quản lý chi phí, mua sắm quần áo diễn viên, giao dịch với chủ đám và công việc đối ngoại khác. Hiện nay ở Đồng Quan, Phấn Sơn vẫn duy trì được đội chèo và phát triển khá tốt về truyền thống hát chèo xưa.

Ngoài ra ở Đồng Sơn còn có những đội nhạc, trống, sáo, nhị, đàn gọi là phường “bát âm” đi phục vụ nhạc hiếu và tế tự khi việc làng, khi rước hội. Trên đây cũng là nét đẹp về văn hóa đang được phát huy để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Các làng ở Đồng Sơn đa số gia đình vẫn giữ được truyền thống về mối quan hệ thuận hòa trong gia đình, trong xóm làng, đánh giá cao vai trò tề gia nội trợ của người phụ nữ. Mọi nhà đều dạy bảo con cháu bằng những câu ca truyền kiếp có giá trị giáo dục “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, “của chồng công vợ”, “con dại cái mang”, “phúc đức tại mẫu”.

Trong truyền thuyết văn hóa gia đình bao giờ cũng đề cao chữ hiếu: Hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên… Đề cao tiết hạnh lòng chung thủy của người phụ nữ, đề cao tình cảm anh em ruột thịt. Người ta thường nhắc nhở nhau: “anh em như thể chân tay”, “máu chảy ruột mềm”, “môi hở răng lạnh”. Bổn phận làm cha mẹ cũng rất quan tâm khuyên dạy con cái phải ăn ở có nhân, có đức, chăm chỉ lao động học hành để nên người có ích cho xã hội, bằng chúng bằng bạn, làm người phải thương yêu nhau “thương người như thể thương thân”, không ích kỷ, yêu mến mọi người “tôn sư trọng đạo”… Song sự dạy bảo con cháu trong gia đình chủ yếu là lấy kinh nghiệm đời trước răn đời sau trong ứng xử trong mối quan hệ, trong lao động sản xuất xây dựng đời sống bằng quyền gia trưởng nên cũng sinh bảo thủ, nguyên tắc cứng nhắc như thường có câu “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” hay “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” như vậy cũng làm hạn chế sự chủ động sáng tạo của con cháu.

Con người Đồng Sơn cần cù, chịu khó lao động để xây dựng cuộc sống trên vùng đất quê hương. Gồng sức mình lên vượt qua bao lầm than vất vả chống thiên tai, giặc giã cùng với các thế lực cản trở bao đời để tồn tại và phát triển. Lớp lớp thành viên trong cộng đồng nói chung sống nhân hậu, lấy việc thương yêu đùm bọc lấy nhau làm lẽ sống, làm nền tảng tinh thần của mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, coi xóm làng, quê hương là nơi “lắng sâu bền lâu”.

Hàng chục thế kỷ về quê hương – con người Đồng Sơn trải qua biến thiên của bao thế hệ thăng trầm. Đó là quá khứ đầy vinh quang, nhưng cũng đầy máu, mồ hôi và nước mắt để xây dựng quê hương tươi đẹp như ngày nay. Đời đời con cháu cần ghi nhớ sâu sắc, giữ gìn và phát huy, làm cho quê hương ta ngày càng giàu đẹp, đời sống ngày càng ấm no hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *